rên bất kỳ đường phố nào của Hà Nội người ta cũng bắt gặp những trạm điện thoại thẻ công cộng với giấy dán nhem nhuốc, rác ngập chân... Còn ở các trạm thông tin du lịch nằm ở các tuyến phố cũng "một mất một còn".
Rác viễn thông
Cách đây khoảng 10 năm, Hà Nội mọc lên la liệt các trạm điện thoại thẻ công cộng. Tiện ích nó mang lại cho người sử dụng thật đáng kể. Vào thời điểm đó, điện thoại di động chưa bùng phát như hiện nay, nên việc mọc lên các điểm điện thoại công cộng này là giải pháp tối ưu. Sự thuận lợi đó được coi như bàn đạp, tạo tiền đề để phát triển dịch vụ điện thoại di động sau này. Đối tượng hưởng sự tiện lợi nhiều nhất phải kể đến học sinh, sinh viên và khách vãng lai. Nhưng, cùng với sự nở rộ của các dịch vụ viễn thông, nó đang dần bị quên lãng.
Hà Nội hôm nay, hàng nghìn trạm điện thoại thẻ nằm im lìm trên các đường phố. Nhiều năm qua, chẳng mấy ai quan tâm đến cái cabin màu xanh, hay màu trắng vẫn tồn tại ở đó. Có chăng chỉ là mấy người buôn đồng nát lấy đó làm nơi tập kết hàng thu gom về, hoặc mấy người tìm thông tin việc làm trên những tờ giấy nham nhở dán bên ngoài. Người ta đặt tên mới cho các cabin điện thoại là rác viễn thông.
Chúng tôi làm cuộc khảo sát dọc theo các tuyến phố Hà Nội. Có tới hơn 90% cabin điện thoại được sử dụng chức năng quảng cáo rao vặt và làm thùng rác thay vì "trọng trách lớn lao" phục vụ cho viễn thông. Tại một cabin trên phố Lê Duẩn, nếu ai đó có thẻ mà muốn vào gọi điện thoại cũng khó bởi một đống rác nằm choán toàn bộ diện tích cabin. Phía bên ngoài thì bị quây bởi hàng chục chiếc xe máy dựng trên vỉa hè.
Tại phố Trần Nhân Tông, 3 cabin điện thoại nằm rải rác trên góc phố cũng để không với giấy dán rồi xé nhem nhuốc phía bên ngoài. Trên phố Thợ Nhuộm, một trạm "điện thoại thẻ Việt Nam" kiêm chỗ chứa thúng bánh mì khi trời mưa, hoặc là nơi để rau của các bà khi... chạy chợ. Rất nhiều cabin không gọi được điện thoại do máy hỏng hoặc bị bóc mất điện thoại.
Suốt một buổi chiều lang thang nhiều tuyến phố, một lần hiếm hoi chúng tôi bắt gặp hình ảnh người khách ngoại tỉnh đeo ba lô đứng nói chuyện điện thoại trước cửa Bưu điện Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng, xung quanh là những chiếc xe máy vây kín.
Rõ ràng hiệu quả sử dụng của các trạm điện thoại công cộng ở thời điểm này là rất thấp. Tuy nhiên, nó vẫn cần thiết cho khách vãng lai và người có thu nhập thấp. Để có được một hệ thống điện thoại công cộng như vậy là rất tốn kém. Nếu bỏ đi thì cũng rất lãng phí.
Có người cho rằng, trong số những người dùng di động hiện nay, nhiều người không có nhu cầu thực sự thiết yếu mà thực ra chỉ là trang bị và a dua. Số ít những người sử dụng điện thoại thẻ hiện nay lại là người có nhu cầu thực sự, nhưng không phải dùng hàng ngày, hàng giờ, nhất là ở các vùng nông thôn.
Nhiều nước kinh tế phát triển vẫn dùng dịch vụ điện thoại công cộng. Bởi vậy, chúng ta chưa thể đặt ra vấn đề "khai tử" cho loại dịch vụ này. Nhưng, nếu để tồn tại thì cần phải có chế độ chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên cho các trạm điện thoại, giữ bộ mặt sạch đẹp, văn minh cho môi trường sống của chúng ta.
Trạm thông tin... mất thông tin
Trạm thông tin du lịch điện tử xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 11/2006 vào dịp Hà Nội tổ chức APEC lần thứ 14 với mục đích hướng dẫn du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Các trạm thông tin này được đặt ở trước cửa khách sạn lớn, nơi tập trung nhiều khách du lịch, nhiều nhất là ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là nơi tra cứu thông tin về du lịch rất tiện lợi bằng màn hình cảm ứng với hai thứ tiếng Việt và Anh. Trạm thông tin này rất đơn giản, dễ sử dụng lại có thể tra cứu được khá nhiều thông tin về các khách sạn, nhà hàng, nơi mua sắm, món ăn truyền thống, các điểm tham quan...
Sự ra đời của các trạm thông tin này được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và khách du lịch. Không chỉ người nước ngoài, người ngoại tỉnh mà ngay cả người Hà Nội cũng bất ngờ với sự tiện lợi mà nó mang lại. Cần tìm một nhà hàng nổi tiếng khi đang đi trên phố cổ, bạn chỉ cần tạt vào trạm thông tin điện tử là có thể tìm được một địa chỉ trong vòng vài giây. Nhưng, cũng như các cabin điện thoại công cộng, sau một thời gian sử dụng, hiện tượng hỏng hóc là khó tránh khỏi.
Xung quanh Hồ Gươm có tới 9 trạm thông tin du lịch, qua khảo sát ngày 9/7 của chúng tôi thì có 2 trạm đã tê liệt hoạt động, chỉ còn mỗi chức năng làm quảng cáo cho các doanh nghiệp.
Trên phố Lê Duẩn có một trạm thông tin đặt trước cửa khách sạn Nikko, nhưng khi chúng tôi vào tra cứu thì chỉ thấy một màn hình đen kịt. Trạm đặt tại phố Lý Thường Kiệt, trước cửa khách sạn Melia cũng không hoạt động.
Không chỉ khách du lịch mà nhiều người dân trong nước cũng thấy sự xuất hiện của trạm thông tin du lịch điện tử là rất văn minh và cần thiết. Tuy nhiên, thông tin ở các trạm này hiện nay vẫn sơ sài, cũ và chưa phong phú. Thành phố cần chỉ đạo đơn vị thực hiện kết hợp với doanh nghiệp quảng cáo để cập nhật thông tin thường xuyên, bổ sung thêm những thông tin hữu ích, thậm chí có thể dùng nó để tuyên truyền chính sách pháp luật hoặc các quy định của thành phố. Như vậy nó sẽ có tác dụng và hiệu quả lớn hơn rất nhiều.
Chúng ta cũng nên nhân rộng mô hình dịch vụ công cộng này ra nhiều nơi khác chứ không chỉ tập trung ở quanh các điểm du lịch lớn của Hà Nội như hiện nay. Qua tham khảo ý kiến, chúng tôi thấy ngay cả các phụ huynh đưa con đi thi kỳ đại học này cũng cần nhiều thông tin. Tại sao chúng ta không giúp họ có thông tin bằng những trạm thông tin du lịch kiểu như vậy? Nếu làm được, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.
Vấn đề chung là ý thức công dân
Đã có thời gian, VNPT quảng cáo trạm điện thoại thẻ đặt giữa cánh đồng, đó là ý tưởng hay và thể hiện rõ sự tiện dụng của nó. Nhưng do ý thức của người dân chưa cao nên nó đã trở thành một loại rác viễn thông.
Các cơ quan chức năng nên khôi phục nhưng phải có biện pháp quản lý và bảo dưỡng thường xuyên để các loại dịch vụ công cộng này phát huy được hiệu quả sử dụng.
Đối với các trạm thông tin du lịch, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người biết, xây dựng cho công dân ý thức bảo vệ các dịch vụ công cộng, phục vụ lợi ích cho cả cộng đồng.
(Theo CAND) |